90% CÁ TRA BÁN TẠI MỸ NHẬP KHẨU TỪ VIỆT NAM
Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, từ 1/9/2017, cá da trơn và cá tra được chính quyền Mỹ chính thức công nhận như là một loài cá da trơn, dù sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu sẽ phải chịu sự giám sát của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
Vasep cho biết, từ nay cho tới thời điểm đó, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) vẫn chịu trách nhiệm đảm bảo cá tra nhập khẩu đáp ứng tất cả các tiêu chí cần thiết về an toàn thực phẩm.Có nghĩa là thanh tra của USDA sẽ kiểm tra tất cả các khâu của chuỗi sản xuất ở Việt Nam, từ khi ương trứng cho đến sản phẩm đóng gói cuối cùng.
90% cá tra bán tại Mỹ là nhập khẩu từ Việt Nam. Kiểm tra tăng cường có thể được xem như một cách hợp lý để hành động, ngoại trừ sự bất tiện mà cá tra Việt Nam đã được bán thành công tại Mỹ trong khoảng thời gian từ 10 - 15 năm vừa qua và chưa có trường hợp nào cá tra gây hại cho người tiêu dùng Mỹ.
Ngành cá tra Việt Nam có lẽ là ngành công nghiệp thủy sản được quy định chặt chẽ nhất trên thế giới. Các trại nuôi được chứng nhận bởi các tổ chức độc lập và có uy tín như: ASC, BAP và GlobalG.A.P…còn các nhà máy chế biến cá tra của Việt Nam lại đáp ứng tiêu chuẩn HACCP cũng như các chứng nhận IFS và BRC. Gần như tất cả đã được chấp thuận để xuất khẩu cá tra sang EU, thị trường có tiêu chí nhập khẩu rất nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, tất cả những điều này không có giá trị gì ở các tiểu bang Mississippi, Louisiana và Alabama nằm ở khu vực phía Nam nước Mỹ, nơi nuôi cá da trơn và cá tra Việt Nam được coi là một loài giá rẻ làm giảm giá bán và phá hoại thị trường của họ.
Thay vì quảng bá cá da trơn nội địa như là một loài "cao cấp", có giá trị cao, thì các chủ trại nuôi cá da trơn Mỹ (CFA) đã tiến hành một cuộc chiến lâu dài và quyết liệt nhằm bôi xấu loài cá tra Việt Nam bằng mọi cách họ có thể làm.
Hành động này bao gồm cả thông tin rằng cá tra được nuôi ở sông Mêkông, nguồn nước bị nhiễm chất độc màu da cam. Tuy nhiên, thực tế là cá tra hiện nay được nuôi trong các ao nuôi chuyên biệt và được cho ăn thức ăn viên.
Đơn kiện của họ cho rằng các công ty ở Việt Nam, nơi có thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng khoảng 1/5 của Mỹ, lại đang bao cấp cho những người giàu có ở Mỹ sử dụng cá da trơn. Theo báo cáo của FAO nêu trên, CFA đã cáo buộc rằng Chính phủ Việt Nam đã can thiệp quá sâu vào nền kinh tế do đó không thể đánh giá thực sự về chi phí của các nhà sản xuất của Việt Nam.
Thông qua các đại diện của Quốc hội, người nuôi cá da trơn ở các bang phía Nam đã yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ tính toán chi phí nuôi cá da trơn ở Ấn Độ, phi lê và cấp đông tại các nhà máy giả định, và vận chuyển chúng trong những chiếc tàu giả định sang Mỹ. Đánh giá này dẫn đến kết luận rằng các nhà sản xuất Việt Nam được trợ cấp không công bằng và phải trả mức thuế 190%.
Thuế chống phá giá vẫn còn tồn tại, mặc dù mức thuế giữa các nhà sản xuất là khác nhau. Chẳng hạn như, nhà sản xuất và xuất khẩu cá tra hàng đầu Vĩnh Hòan đang có mức thuế là 0%. Thực tế thuế được thu từ nhà NK và sau đó nhà NK sẽ thu lại của nhà xuất khẩu. Ngoài ra còn có một "khoản tiền ký quỹ" trong trường hợp bán phá giá được "phát hiện", có thể lên đến 1 triệu USD (942.000 euro) và phải được trả trước cho Mỹ.
Đối mặt với tất cả những trở ngại này, nếu Việt Nam quyết định từ bỏ thị trường Mỹ cũng sẽ là điều dễ hiểu. Trên thực tế, Trung Quốc đã gần vượt qua Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang nỗlực rất nhiều để đáp ứng các yêu cầu của USDA.
Tuy nhiên, nếu các nhà sản xuất Việt Nam có thể đáp ứng các yêu cầu của USDA, một thị trường lớn ở Mỹ đang chờ đợi họ. Cá tra hiện nay phổ biến hơn so với cá da trơn nuôi của Mỹ, nếu đổi tên thành "catfish", ngành cá tra Việt Nam có tiềm năng lớn để bùng nổ về doanh số.
Ngành công nghiệp cá da trơn Mỹ chưa tận dụng hết được tiềm năng của mình và cũng không thể tự mình đáp ứng được hết nhu cầu của thị trường tiềm năng Mỹ. Đây chính là lý do vì sao họ phải bằng mọi giá để loại cá tra Việt Nam ra khỏi thị trường của mình.
Tùng Anh
Theo Trí thức trẻ Từ khóa
|