Hàng thủy sản hiện có thể ghi nhãn là các axit béo EPA và DHA có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Các nhà khoa học khuyến cáo người tiêu dùng nên ăn thủy sản 2 lần/tuần.
Ngày 8/9/2004, FDA thừa nhận công bố y học đã được kiểm nghiệm đối với việc sử dụng các axit béo omega-3 là axit eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA) làm thực phẩm thông thường và thành phần bổ sung vào khẩu phần ăn. Trước đây, trên các nhãn thực phẩm chỉ ghi loại thủy sản đó giàu axit béo omega-3, nhưng không nói đến lợi ích của chúng đối với sức khỏe.
Các công bố y học
Nhiều người nghi ngờ về sự khác biệt giữa công bố y học đã được kiểm nghiệm và công bố y học chưa được kiểm nghiệm. Cả hai đều mô tả mối liên quan giữa một loại thực phẩm hoặc thành phần thực phẩm cụ thể với một bệnh hoặc điều kiện liên quan đến sức khoẻ và được khẳng định bằng chứng cứ khoa học.
FDA phải xem xét lại tất cả các công bố y học. Theo đó, mọi công bố chưa được kiểm nghiệm phải phù hợp với Tiêu chuẩn Thoả thuận Có nghĩa về Khoa học (Significant Scientific Agreement Standard - SSAS) do Quốc hội Mỹ ban hành năm 1990.
Các quyết định liên quan đến công bố y học đã được kiểm nghiệm chủ yếu đề cập đến quyền của nhà sản xuất trong việc công bố mối liên quan giữa chế độ ăn với bệnh tật khi các bằng chứng khoa học làm cơ sở cho công bố này không phù hợp với SSAS, nếu những công bố này được kiểm nghiệm theo cách không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Do vậy, các công bố y học đã được kiểm nghiệm khác với các công bố y học chưa được kiểm nghiệm ở mức độ cơ sở khoa học. Các công bố đã được kiểm nghiệm phải kèm theo tuyên bố từ chối hoặc thông tin tương đương khác.
Cho phép tự quyết định
FDA tuyên bố sẽ xem xét việc cho phép nhà sản xuất tự quyết định việc ghi nhãn thực phẩm cùng với công bố y học đã được kiểm nghiệm với omega-3. Thực phẩm có công bố đã được kiểm nghiệm phải chứa cả 2 loại axit béo omega-3 là EPA và DHA.
Các sản phẩm phải chỉ rõ lượng EPA và DHA trong khẩu phần, ghi rõ Nghiên cứu chỉ mang tính hỗ trợ chứ không xác định việc sử dụng các axit béo omega-3 EPA và DHA có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tắc nghẽn động mạch vành.
Thông tin về hàm lượng omega-3 có thể được ghi trên nhãn gắn với sản phẩm hoặc nhãn gắn trên giá trưng bày, thực đơn, panô, tờ rơi... Axit béo omega có trong cá hồi ráng, cá ngừ, cá trích, cá hồi và cả dầu thực vật.
Khuyến cáo sử dụng
FDA đã đưa các axit béo omega-3 vào danh mục các chất "Nhìn chung được coi là an toàn" (GRAS), nhưng khuyến cáo người tiêu dùng không nên dùng quá 3g axit béo omega-3/ngày, không quá 2g/ngày từ các thành phần bổ sung vào khẩu phần ăn. Một số nghiên cứu khoa học còn cho thấy sử dụng trên 3g axit béo omega-3/ngày có thể gây chảy máu kéo dài.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo hàng tuần nên ăn 2 khẩu phần 85g thủy sản, tốt nhất là cá béo. Một số nhà khoa học còn cho rằng những người trong gia đình đã có người mắc bệnh tim hoặc những người mắc bệnh tắc nghẽn động mạch vành hàng ngày nên bổ sung thành phần ăn có dầu cá với 600mg EPA và DHA. Nếu trong gia đình có người đột tử vì bệnh tim, nên tăng lượng sử dụng lên 1-2g EPA và DHA.
Cần lưu ý là 2 khuyến cáo trên chưa được một cơ quan chính phủ nào công nhận. Những công bố y học đã được kiểm nghiệm về omega-3 không mâu thuẫn với các khuyến cáo về thủy ngân khuyến cáo đề cập đến loại và lượng thủy sản sử dụng đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con và trẻ em để giảm việc phơi nhiễm với những tác động có hại của thủy ngân. Trái lại, công bố về omega-3 giúp người tiêu dùng biết đến lợi ích của việc ăn thủy sản.
Quyết định của FDA là kết quả của nhiều báo cáo về lợi ích của việc đưa axit omega-3 vào khẩu phần ăn. Năm 2000, tiến sỹ William E. Conner tuyên bố rằng trong vòng 2 thập kỷ qua, các quan điểm về axit béo omega-3 đã chuyển từ dự đoán về chức năng của chúng sang chấp nhận chung rằng chúng không những là những thành phần dinh dưỡng cần thiết, mà còn ngăn chặn nhiều bệnh. Các axit béo omega-3 là loại dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể vì chúng là những thành phần cấu trúc quan trọng trong màng phospholipid của tế bào cơ thể.
Lợi ích của việc ăn thủy sản
Bảng 1. Các bệnh có thể được ngăn ngừa hoặc cải thiện nhờ sử dụng axit béo omega-3
|
Bảng 2. Cơ chế ngăn ngừa bệnh tim của axit béo omega-3
|
· Bệnh động mạch vành và đột quỵ tim
· Thiếu axit béo cần thiết ở trẻ sơ sinh (phát triển não và võng mạc)
· Rối loạn cơ chế tự miễn dịch (như bệnh luput và bệnh về thận)
· Bệnh viêm dạ dày-ruột mãn tính
· Ung thư vú, kết tràng và tiền liệt tuyến
· Tăng huyết áp nhẹ
· Thấp khớp
|
· Ngăn ngừa chứng loạn nhịp (nhịp tâm thất nhanh và rung)
· Các dấu hiệu u tiền liệt tuyến và leukotrien
· Có các thuộc tính kháng viêm
· Ức chế sự tổng hợp tế bào và phân bào
· Kích thích oxit nitric dẫn xuất nội mô
· Có tính chống huyết khối
· Có các thuộc tính giảm lipit với tác động đến các triacylglycerol (nhóm lipit đơn) và lipoprotein mật độ thấp
· Ngăn ngừa sự xơ cứng động mạch
|
Chắc chắn, sử dụng axit béo omega-3 có lợi để phòng chống một số bệnh nhất định, nhưng đối với một số bệnh khác điều này chỉ có tính dự đoán. Bảng 1 nêu một số bệnh có thể được ngăn ngừa hoặc cải thiện nhờ sử dụng axit béo omega-3, theo thứ tự giảm dần về độ tin cậy của bằng chứng. Axit béo omega-3 trong khẩu phần ăn có tác dụng ngăn ngừa bệnh tim thông qua một loạt tác dụng nêu ở bảng 2.
Một số nghiên cứu về việc tăng lượng sử dụng axit béo omega-3 cho thấy nam giới ăn cá hồi ít nhất mỗi tuần một lần có thể giảm 70% nguy cơ tim ngừng đập. Một nghiên cứu khác đối với 1.015 đàn ông mắc bệnh tim mạch cho thấy tỷ lệ tử vong giảm 29% nếu họ ăn ít nhất 200-400g cá béo mỗi tuần.
Một nghiên cứu gần đây về ăn cá và nguy cơ tử vong do đột quỵ tim ở Mỹ được thực hiện với 20.551 người phụ nữ. Kết quả cho thấy nguy cơ tử vong ở những người mỗi tuần ăn ít nhất 1 bữa cá có thể giảm 52% so với những người mỗi tháng ăn chưa tới 1 bữa.
Thanh Phong lược dịch
Global Advocate Aquaculture 12/2004
|