Năm 2008, là một năm đầy lao đao cho những người nuôi cá tra trong tỉnh và cả vùng ĐBSCL. Để nghề nuôi cá tra được phát triển ổn định và bền vững,UBND tỉnh cùng với các ngành chức năng đã đề ra nhiều giải pháp chấn chỉnh ngành sản xuất mũi nhọn này.
Một năm nhìn lại
Do hiệu quả kinh tế của nghề nuôi cá tra xuất khẩu các tháng đầu năm 2007 khá cao, nên người dân và các doanh nghiệp đã đầu tư, mở rộng diện tích nuôi cá tra làm gia tăng một cách đột biến về quy mô và tốc độ. Từ 3 tỉnh có nghề nuôi cá tra phát triển là An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ, nay phong trào nuôi cá tra lan ra 9 tỉnh ĐBSCL, sản lượng cá tra toàn vùng năm 2008 khoảng 1,2 triệu tấn, tăng trên 120% so với năm 2007. Với tốc độ tăng trưởng đó tạo ra sức ép thị trường tiêu thụ, dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu, giá cá tra xuất khẩu tiếp tục giảm, gây bất lợi cho người nuôi.
Tại tỉnh Đồng Tháp, trong thời gian qua, công tác quản lý quy hoạch ở nhiều địa phương còn nhiều lúng túng, tình trạng đào ao ngoài quy hoạch diễn ra nhiều nơi nhưng chưa có biện pháp xử lý, chế tài hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều hộ, nhiều nhà đầu tư còn tận dụng các ao có sẳn ngoài vùng quy hoạch, hoặc đào ao ở những khu vực đất sạt lở, phá vườn cây ăn trái làm ao nuôi cá làm tăng diện tích nuôi cá ngoài vùng quy hoạch lên rất nhiều. Năm 2008, diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh là 1.348 ha, sản lượng đạt 285.000 tấn, đạt 118,75% kế hoạch, tăng 57.537 tấn so với năm 2007.
Những giải pháp đồng bộ
Tháng 10-2008, Bộ NN&PTNT đã có quyết định phê duyệt quy hoạch sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Đây là cơ sở pháp lý để tiến hành rà soát, điều chỉnh lại các vùng quy hoạch, diện tích và sản lượng cá tra nuôi của tỉnh theo hướng sản xuất cân đối với nhu cầu thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Theo đó, tỉnh đề ra chỉ tiêu đến năm 2010, diện tích vùng nuôi cá tra trong toàn tỉnh là 2309ha, sản lượng cá tra nguyên liệu xuất khẩu là 334.000 tấn, đến năm 2015, diện tích nuôi 2.550 ha, sản lượng 383.000 tấn, định hướng đến năm 2020, diện tích nuôi 2.700 ha, sản lượng 400.000 tấn.
Để nghề nuôi cá tra được phát triển bền vững, gia tăng giá trị hàng hóa, phát triển sản xuất kết hợp chặt chẽ với an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Tỉnh sẽ ưu tiên phát triển vùng thích nghi tốt là các vùng đất bãi bồi, cù lao trên sông Tiền và sông Hậu và vùng thích nghi khá là vùng đất ven sông Tiền, sông Hậu, cách bờ không quá 500m, có dự án đầu tư cụ thể, phát triển thành vùng nuôi tập trung có quy hoạch đầy đủ hệ thống xử lý nước thải, khu chứa bùn đáy ao, có nhà máy chế biến gắn kết với vùng nuôi tạo thành chuổi khép kín. Ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống, nuôi cá tra thương phẩm xuất khẩu. Tổ chức tập huấn sản xuất giống cá tra theo tiêu chuẩn, xây dựng mô hình vùng nuôi an toàn, tập huấn nuôi thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn SQF, BMP, GaqP, CoC. Đây là cơ sở để Sở NN&PTNT tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận nuôi trồng thủy sản cho các tổ chức, cá nhân nuôi cá tra và đây cũng là điều kiện để Ngân hàng cho vay vốn và các nhà máy chế biến thủy sản ký hợp đồng thu mua. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường, thường xuyên kiểm tra và có biện pháp xử lý các vi phạm về quy định bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, để đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất, Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất giống cá tra trên địa bàn tỉnh, nâng cao kỹ thuật sản xuất, đảm bảo chất lượng giống; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất giống có quy mô lớn, đến năm 2010, toàn tỉnh có 120 cơ sở sản xuất giống cá tra, sản lượng 7,2 tỷ cá tra bột, năm 2020 có 180 cơ sở, cung ứng 18 tỷ cá tra bột. Đẩy mạnh việc ứng dụng các giống đậu nành, bắp lai có năng suất cao và sản xuất nhằm thay thế dần nguyên liệu thức ăn ngoại nhập, giảm chi phí thức ăn cho người nuôi cá.
Tình hình thị trường thế giới còn nhiều biến động, tuy nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch vùng nuôi cá tra trong thời gian tới được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững, gia tăng giá trị sản lượng hàng hóa, phát triển sản xuất kết hợp chặt chẽ với an sinh xã hội, phát triển sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường, sẽ góp phần rất lớn cùng cả tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2009. |