Ai Cập - miền đất của nền văn minh huyền bí bên dòng sông Nin màu mỡ, có diện tích 1.001.450 km2, nhưng trong đó, diện tích sinh sống và canh tác chỉ chiếm gần 90.000 km2, còn lại là sa mạc và hoang mạc.
Ai Cập, tuy có số dân gần bằng VN (khoảng 80 triệu người) nhưng sản lượng thủy sản của nước này rất thấp, khoảng 760.000 tấn/năm, bao gồm khai thác từ Ðịa Trung Hải và Biển Ðỏ, các hồ nước ngọt, sông Nin và nuôi trồng. Tuy nhiên, sản lượng thuỷ sản đang có xu hướng giảm do nguồn lợi suy giảm và các vùng nuôi cá nước ngọt bị ô nhiễm.
Ai Cập áp dụng mức thuế NK 5% đối với thủy sản đông lạnh, là mức thấp trong biểu thuế NK. Việc kiểm tra chất lượng thủy sản NK được thực hiện khá chặt chẽ, đảm bảo các yêu cầu: phù hợp với tiêu chuẩn cho tiêu dùng của con người; không chứa chất bảo quản, hóa chất, vi khuẩn độc hại, chất phóng xạ, phân bón và thuốc trừ sâu; được đánh bắt bằng lưới đánh cá, không dùng chất nổ; phải được giữ ở nhiệt độ dưới -180C kể từ ngày chế biến đến ngày giao hàng; cá không bị tổn thương trên da, có màu sắc thích hợp và không có máu.
Nhu cầu tiêu thụ cá của Ai Cập những năm gần đây khoảng 1 triệu tấn/năm, trong đó NK khoảng 250.000 tấn, trị giá khoảng 200 triệu USD. Các loại cá NK chủ yếu gồm: cá thu (150.000 tấn), cá sacđin (30.000 tấn), cá trích (30.000 tấn), cá ôtme bạc (20.000 tấn), cá tuyết bạc (10.000 tấn). Các nước đang là nhà cung cấp cá đông lạnh chính cho Ai Cập gồm Hà Lan (50%), Anh (20%), Đức (20%), Hoa Kỳ (5%), Nauy (2%), Ma rốc (2%) và các nước khác (1%). Hà Lan chiếm thị phần lớn nhất tại thị trường Ai Cập do cá của nước này được làm đông lạnh trên biển ngay sau khi đánh bắt, nên chất lượng được đảm bảo, giảm nguy cơ hàng bị trả lại. Riêng các công ty của Anh và Đức lại chấp nhận rủi ro là chịu mọi trách nhiệm nếu hàng bị trả lại.
Khảo sát tại siêu thị Carrefour ở Cairô cho thấy philê cá tra của VN được bán với giá 6,3 USD/kg, tôm sú thịt, chín giá 5,6 USD/0,5 kg và một số sản phẩm tôm khác. Trừ philê cá tra ghi rõ nhà sản xuất là công ty Thuận Hưng, còn các sản phẩm tôm, mực và hải sản khác chỉ ghi là sản phẩm của VN. Ðiều đáng nói là các sản phẩm này lại được NK vào Ai Cập thông qua một công ty của Ôxtrâylia.
Dự báo nhu cầu NK của Ai Cập sẽ tăng 10% mỗi năm trong vòng 5 năm tới do dân số tăng, các nhà máy chế biến cá hộp tiếp tục được xây dựng và lượng khách du lịch nước ngoài đến Ai Cập tăng nhanh.
Năm 2006, XKTS của VN sang Ai Cập mới đạt 4,4 triệu USD, trong đó XK philê cá tra gần 3,2 triệu USD (72% tổng giá trị) và tôm 0,9 triệu USD (20%), còn lại là các mặt hàng như cá đông lạnh, cá ngừ, chả giò và hải sản chế biến, mực và bạch tuộc. Năm 2007, XKTS sang thị trường này tăng đột ngột tới 4,7 lần, trong đó XK philê cá tra đạt gần 17 triệu USD (gần 83%) và XK tôm đạt 2,2 triệu USD (11%).
Nhiều DN cho biết, từ trước đến nay họ ít để ý đến thị trường này vì còn bận khai phá những thị trường lớn và đã quen thuộc như Mỹ, EU, Nhật Bản... Nhưng vài năm gần đây, khi cạnh tranh giữa các DN với nhau và với các đối thủ nước ngoài diễn ra gay gắt thì những thị trường ít xảy ra “đụng độ” như vậy mới bắt đầu được quan tâm.
Để sản phẩm cá đông lạnh của Việt Nam có thể xâm nhập thị trường Ai Cập, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn tới các hoạt động tiếp thị, giới thiệu sản phẩm với các nhà nhập khẩu Ai Cập. Đồng thời, cần nghiên cứu kỹ các quy định về yêu cầu kiểm tra chất lượng để giảm thiểu khả năng hàng bị trả lại.
Thu Trang - Nghiêm Dung
|