Công bố kế hoạch hành động tái cấu trúc
ngành thủy sản tăng GTGT, phát triển bền vững
(Ngày đăng: 08/09/2014 ) (vasep.com.vn)
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu kinh tế, Bộ NN và PTNT đã xây dựng và trình Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng GTGT và phát triển bền vững. Ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt đề án này.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu kinh tế, Bộ NN và PTNT đã xây dựng và trình Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng GTGT và phát triển bền vững. Ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt đề án này. Trên cơ sở đó, Bộ NN và PTNT đã chỉ đạo các ngành sản xuất thuộc bộ quản lý khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động để tái cơ cấu riêng cho từng ngành. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Nông Lương Liên hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam, kế hoạch hành động tái cơ cấu 3 ngành: Trồng trọt - Chăn nuôi - Thủy sản đã được Bộ trưởng Bộ NN và PTNT phê duyệt.
Ngày 29/8/2014, Bộ NN và PTNT đã phối hợp cùng FAO và Nhóm Trợ giúp Quốc tế (ISG) tổ chức “Hội nghị công bố kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản” đồng thời đưa ra các đề xuất, giải pháp chính để thực hiện các kế hoạch hành động trên tập trung vào việc chuyển đổi các hình thức đầu tư công - tư, tăng cường bộ máy tổ chức, xúc tiến, nghiên cứu và ứng dụng KHCN.
Phát biểu khai mạc và công bố kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, trải qua gần 30 năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định chính trị. Đạt được không ít thành tựu lớn nhưng trong những năm gần đây ngành đã bắt đầu bộc lộ điểm yếu đòi hỏi phải tái cơ cấu và có nhiều bước thay đổi căn bản theo hướng nâng cao GTGT, phát triển bền vững.
Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN và PTNT, các Bộ ngành liên quan, cùng các địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện và coi đó là trọng tâm để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đề án tái cơ cấu đã thay đổi cách tiếp cận ngành dựa trên chỉ tiêu số lượng sang các chỉ số về giá trị thu nhập của nông dân, về xã hội và về môi trường. Đồng thời, chủ trương xây dựng ngành nông nghiệp theo tín hiệu của thị trường. Chính phủ chuyển vai trò từ nhà cung cấp trực tiếp các dịch vụ sang việc tạo dựng môi trường để các thành phần kinh tế tham gia vào đề án tái cơ cấu.
Đề án cũng đặt vấn đề tạo mối gắn kết chặt chẽ hơn giữa mối quan hệ Nhà nước - DN - nông dân trong chuỗi giá trị. Tại hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tháng 5/2014 vừa qua, đã có gần 50% số tỉnh, thành phố đã ban hành đề án hoặc kế hoạch hành động thực hiện chủ trương, tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại địa phương. Nhiều địa phương đã thực hiện và tạo ra nhiều chuyển biến tích cực. 8 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng của ngành đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, đạt 3,2%, tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước. Bộ NN và PTNT đã kêu gọi và phát động phong trào, toàn ngành nông nghiệp nông thôn chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2014-2015 và đến năm 2020.
Trình bày kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành thủy sản, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận định, trong nhiều năm qua, ngành thủy sản Việt Nam đã có nhiều bước phát triển nhanh và đóng góp đáng kể cho nền kinh tế đất nước, tuy nhiên, gần đây đã bộc lộ một số nhược điểm như: GTGT thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao, phát triển chưa bền vững. Trong khai thác, tàu thuyền nhiều nhưng công suất nhỏ, chủ yếu là khai thác ven bờ, tổn thất sau thu hoạch lại cao, môi trường và dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Để hướng tới phát triển bền vững, tăng GTGT, ngành thủy sản phải hướng tới những kế hoạch hành động như: Đối với nuôi trồng, phải rà soát lại một số đối tượng nuôi chính cho phù hợp với thị trường, cân đối cung cầu, tình hình phát triển kinh tế XH: cá tra, tôm nước lợ, cá rô phi, tôm hùm và nhuyễn thể. Quan trắc môi trường nuôi, áp dụng GAP không chỉ áp dụng thị trường mà cả trách nhiệm môi trường, XH…
Đối với khai thác, ngành sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch khai thác: Số lượng tàu thuyền theo nghề, vùng biển; Hệ thống cảng cá, khu neo đậu và hệ thống sửa chữa đóng mới tàu cá, đánh giá nguồn lợi hải sản, hiện đại hóa tàu cá, giảm tổn thất sau khai thác, thực hiện tốt quy định IUU không chỉ tại EU mà còn tại Bắc Mỹ, nâng cao năng lực đăng ký, đăng kiểm tàu cá, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng… tiến tới hiện đại hóa nghề cá. Kế hoạch hoàn thiện thể chế, chính sách thực hiện là: Sửa đổi Luật Thủy sản năm 2003, giảm áp lực nguồn lợi ven biển bằng các chính sách quản lý vùng ven bờ, tạo, sử dụng, quản lý tái tạo nguồn lợi thủy sản… Tổ chức lại sản xuất làm sao để chia sẻ rủi ro, nâng cao hiệu quả của tất cả các thành phần tham gia trong chuỗi sản xuất: cần liên kết sản xuất, tiêu thụ, dịch vụ, tổ đội và quản lý cộng đồng, tăng hàng thủy sản GTGT thay vì sản phẩm thô truyền thống, phát triển, định hướng thị trường.
Trong thời gian tới, ngành kêu gọi các tổ chức, đối tác quốc tế hỗ trợ, tư vấn các lĩnh vực ưu tiên như: Xây dựng chính sách quản lý ven bờ, tạo, quản lý quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản, đánh giá nguồn lợi, dự báo ngư trường, nâng cao năng lực đăng ký, đăng kiểm tàu, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, nâng cao năng lực thực hiện quy định IUU, ứng dụng GAP trong nuôi tôm, công nghệ cao trong nuôi, xử lý môi trường và các chiến lược để phát triển, định hướng thị trường.
- Ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao GTGT và phát triển bền vững. Theo đó, nội dung của đề án đã chính thức công bố những mục tiêu, quan điểm và giải pháp cụ thể cho việc phát triển nông nghiệp, nông thôn ở nước ta trong giai đoạn tới. Quá trình tái cơ cấu được thực hiện theo hướng chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng, lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất bằng giá trị và lợi nhuận.
- Ngày 18/6/2013, Bộ NN và PTNT ra Quyết định số 1384/QĐ-BNN-KH ban hành Chương trình hành động thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao GTGT và phát triển bền vững” theo Quyết định số 899/QĐ-TTg, ngày 10/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
- Ngày 22/11/2013, Bộ NN và PTNT ban hành Quyết định số 2760/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao GTGT và phát triển bền vững” và Quyết định số 1167/QĐ-BNN-TCTS ngày 28/5/2014 ban hành chương trình hành động thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao GTGT và phát triển bền vững”.
Tạ Hà
|